Thung lũng Thừa Đức thuộc tỉnh Hà Bắc, cách Bắc Kinh 210km về hướng đông bắc. Ở độ cao 320m nên nhiệt độ trong năm thường từ 0 đến 15 độ C.
Khác với cái nắng khô và cơn bão cát rập rình ở thủ đô Bắc Kinh, Thừa Đức phóng khoáng những đợt gió núi mát lạnh. Thị tứ cổ kính xanh um màu lá và thảng những cơn mưa. Những mái nhà cổ kính có từ thời nhà Thanh còn sót lại, màu ngói xỉn rêu như náu mình dưới những hàng cổ thụ rậm tán. Nhà hàng, tửu điếm đượm màu cổ kính. Các sơn nữ người Mãn khoẻ mạnh trong trang phục "mốt" thời nhà Thanh như trong phim Hoàn Châu cách cách đứng cửa mời chào khách lạ bằng thứ tiếng Hoa phổ thông pha âm hưởng miền núi cao.
Đường phố hẹp. Có thể thấy sự hiện đại trong những chiếc xe
du lịch đời mới lẫn vẻ dung dị của những chiếc xe đạp cũ kỹ của người dân khiến du khách ngẩn ngơ nhớ đến những thước phim cũ về thời Cách mạng văn hoá. Ban đêm dạo quanh phố, du khách có thể gặp những điếm cũ, những nhóm người thế hệ Cách mạng văn hoá vẫn tập trung sinh hoạt, hát hò, nhảy múa, diễn kinh kịch như một nếp sinh hoạt địa phương vừa như những lễ hội dân gian đường phố.
Bên trong khu nghỉ mát Hoàng gia Tị thự sơn trang - nơi ba đời vua Khang Hy, Ung Chính, Càn Long mất đến 89 năm xây dựng làm chốn nghỉ mát
mùa hè, đón tiếp các thủ lĩnh miền núi. Ngày trước, các vua nhà Thanh thường đến đây vào mùa hè từ tết Đoan ngọ (5 tháng 5) ở lại cho đến Trùng dương (9 tháng 9).
Lệ chính môn - cổng vào một khu nghỉ dưỡng cao cấp thời phong kiến có lính canh, du khách có cảm giác như thể bước vào một hoàng cung nguy nga và trang trọng. Diện tích khu vực này là 5.6 triệu m2, gấp 8 lần Tử cấm thành ở Bắc Kinh, gồm hồ ao để ngắm cảnh, đồng cỏ để dạo chơi và đồi núi để săn bắn; có thể đi dạo 3 ngày không hết. Những cơn gió thổi dọc hành lang hoàng cung mang hơi nước từ mặt hồ xây hình bán nguyệt dưới thung sâu. Trong khu sơn trang này, cung điện vua làm bằng thứ gỗ Nam lấy về từ rừng sâu ở vùng Quý Châu, Tứ Xuyên. Thứ gỗ này qua hơn ba trăm năm vẫn còn mùi hương. Trời càng ẩm, hương càng toả ngát cả khu vườn như mùi trầm.
Đi thuyền qua mặt hồ phẳng lặng và chờn vờn khói sóng như thể đi lạc vào một không gian chỉ có thể được tìm thấy trong những áng Đường thi. Nơi đây, vua Khang Hy từng thích đến ngắm cảnh khói sóng trên hồ, vịnh thơ, bàn chính sự. Dạo bước qua cây cầu vắt ngang dòng Nhiệt Hà, du khách sẽ gặp hàng cây phong xanh trước Kim Sơn Lầu (phỏng theo Kim Sơn Lầu Hàng Châu). Hàng phong lá xanh này mùa thu trở vàng soi bóng nước đẹp đến mơ màng. Trên những thân phong, có ngàn vết nứt hình thân cá. Người ta bảo đó là ngàn con mắt trần gian đang nhìn vào cõi người phù trầm, hưng phế...
(Nguồn Vnexpress)