Kể từ khi bản trường ca của người Êđê “Bài ca Đam San” do viên công sứ người Pháp Sabatier phát hiện ra đầu tiên cách đây gần 80 năm, các nhà sưu tầm, nghiên cứu đã lần lượt công bố, nào là Xinh Nhã, Khinh Dú, Dăm Di đi săn, Jông Dư, Nàng H’ Diêu, Chàng M’ Hiêng... Sau năm 1975 lại được phát hiện thêm, như Xinh Chiôn, H’ Bia Jâu, M’ Drong Dăm... và hầu như dân tộc nào ở
Tây Nguyên cũng có bản trường ca cho riêng mình. Người Êđê gọi trường ca là Khan, người M’ Nông gọi là Ốt N’ Trông, người Gia Rai gọi là Hri, người Xơ Đăng gọi là Hơmoan, người Bahnar gọi là H’ Amon, người Chăm gọi là Akhan, người Ra Glai gọi là Akhar Jur Car... Chỉ tính riêng ở vùng Dak Lak, các nhà sưu tầm đã thu thập hơn 40 trường ca Êđê, hơn 100 trường ca M’ Nông, 6 trường ca Gia Rai. Nếu có điều kiện thống kê hết ở vùng Gia Lai và Kon Tum thì con số trường ca chắc sẽ không nhỏ.
Có thể nói, Tây Nguyên là một vùng đất đậm đặc về hình thức văn chương truyền miệng dài hơi như ở Tây Nguyên. Những vùng có bề dày của trường ca là khu vực các huyện Cư Prông, Adun Pa, Đức Cơ, An Khê, Mang Yang của tỉnh Gia Lai, các huyện Cư M’ Gar, M’ Drak, Ea H’ Leo, Krông Buk của tỉnh Dak Lak và huyện Dak R’ Lấp của tỉnh Dak Nông. Có người đã ví trường ca (sử thi) Tây Nguyên là “bách khoa thư” về đời sống các dân tộc thiểu số bởi nó đã đề cập đến nhiều mặt, nhiều khía cạnh: không gian, địa lý, thế giới động - thực vật, việc làm nhà, việc làm lúa trên nương, việc ma chay, cưới hỏi, việc săn bắn, đánh bắt thú vật, cảnh đánh cồng chiêng, cảnh múa hát, uống rượu cần, các cuộc đánh nhau, thậm chí cả cuộc ân ái nữa! ...
Các áng sử thi của đồng bào Tây Nguyên đầy dẫy tư duy huyền thoại và óc tưởng tượng chất phác nhưng đầy chất lãng mạn, phản ánh lịch sử và không hiếm khi dựng nên được những bức tranh xã hội hoành tráng. Tuy nhiên, những giá trị của các áng sử thi không dừng lại ở đó mà là giá trị ở chỗ qua sự nghiệp của các vị thần linh và các vị anh hùng thể hiện được phẩm chất của nhân dân lao động, với tính cách hồn nhiên chất phác, với đầu óc thông minh, năng động, với sự gắn bó cùng nhau trong cộng đồng. Sử thi phản ánh sâu sắc mọi khía cạnh của đời sống Tây Nguyên, từ con người cho đến thiên nhiên, đến những đấng tối cao. Đó không chỉ là môi trường sản sinh mà còn tạo nên sự trường tồn, làm cho sử thi có một sức sống mãnh liệt để truyền lại cho đời sau. Ở một khía cạnh nào đó, nó phản ánh rõ nét xã hội Tây Nguyên thời cổ xưa.
Hiện nay, ở vùng đất Tây Nguyên và các vùng phụ cận có 363 nghệ nhân còn nhớ và có thể hát kể sử thi ở những mức độ khác nhau. Khi nghe tiếng nghệ nhân hát kể sử thi, mọi người như quên hết những gì đang xảy ra chung quanh, họ đắm mình vào thế giới sử thi.
Trên đất nước ta, người Thái, người Mường ở Tây Bắc, ở Thanh Hóa, ở Nghệ An cũng có sử thi nhưng chưa có vùng nào như ở Tây Nguyên, một vùng đất đang lưu giữ một khối lượng tác phẩm sử thi phong phú, đa dạng đạt đến tầm quốc tế. Hy vọng trong một tương lai không xa, sử thi Tây Nguyên sẽ được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại như di sản văn hóa cồng chiêng vậy.
(Nguồn báo Cần Thơ)