Bánh Xèo Bông Điên Điển Đồng Tháp
Vào mùa lũ, vùng Đồng Tháp Mười như đắm chìm trong biển nước mênh mông. Vươn lên trên làn nước mang sắc đỏ phù sa là một rừng hoa vàng điên điển. Tuy không hương hoa nhưng đủ để mọi người phải đắm say vì những món ăn, nhất là khi bạn thưởng thức qua món “đặc sản” bánh xèo bông điên điển.
Cây điên điển có tên khoa học là Sesbania aculata, một loài cây thuộc họ đậu (Fabaceae). Hoa điên điển được sử dụng như một loại rau xanh trong chế biến các món ăn đặc trưng của miền đồng bằng Nam Bộ Việt Nam. Người ta thường dùng bông điên điển để làm chua, nấu canh, làm gỏi,… Ở Đồng Tháp, cây điên điển mọc nhiều vô kể do đó, khi mùa lũ về, hoa điên điển lại nở vàng trên những cánh đồng nước, người dân nơi đây chỉ cần bơi chiếc xuồng con đi một lúc là có rổ hoa điên điển vàng ươm, đủ để làm nhiều món ngon trong đó có bữa bánh xèo miền quê thiệt ngon để đãi khách.
Bánh xèo hoa điên điển rất dễ làm. Trước hết, phải pha bột gạo với nước sao cho khi nhúng chiếc đũa bếp vào, nhấc lên bột nhỏ chậm từng giọt là được. Ngon nhất là nên pha bột với nước cốt dừa để tăng thêm phần đậm đà. Sau khi pha bột xong, người ta thường vắt nghệ đã băm hoặc pha bột cà ri chà “đầu bếp Ấn Độ” để tạo màu vàng cam đẹp mắt. Tiếp theo, xào hoa điên điển với thịt heo xắt lát mỏng cùng với các gia vị như muối, bột ngọt, tiêu, đường sao cho vừa khẩu vị là được.
Sau những công đoạn chuẩn bị đầu tiên, các bạn sẽ bắt tay vào việc tráng bánh. Điều quan trọng để có những chiếc bánh vừa có màu vàng ươm, thơm, giòn là cách canh lửa và sự khéo léo của bạn. Trước hết, bắt chiếc chảo gang lên bếp, để lửa riu riu. Dùng cọng lá chuối cắt một đầu, chấm vào chén mỡ hay dầu rồi thoa đều trên mặt chảo, đổ bột vào chảo rồi dùng tay cầm một bên quai chảo đảo đều cho chiếc bánh có hình tròn đều và mỏng. Kế đến, đặt vài con tép lên mặt bánh. Khi bánh vừa chín thì cho nhân vào, đậy nắp (vung) chảo lại khoảng hai phút cho bánh chín vàng, gấp đôi chiếc bánh lại thành hình bán nguyệt rồi xúc ra đĩa hoặc tàu lá chuối xanh (đã lau sạch).
Còn một công đoạn nữa không kém phần quan trọng là chuẩn bị rau xanh và làm nước mắm tỏi ớt. Ở miền quê, rất dễ tìm các loại rau để ăn bánh xèo, chỉ cần ra vườn hái một ít lá xoài, lá cách, đọt điều… làm thêm tô nước mắm tỏi ớt thật cay là có một bữa bánh xèo ngon lành. Gói chiếc bánh xèo trong cuộn lá xoài, đưa vào miệng cắn một miếng vừa phải bạn sẽ cảm thấy một tiếng rộp giòn tan trong miệng, thấm đều trong vị ngọt của thịt, vị chan chát của lá xoài, vị cay của ớt, tỏi, mùi nghệ bay phảng phất cùng với cái nóng còn y nguyên trên chiếc bánh sẽ làm bạn không thể không nhớ về miền quê này.
Vào một buổi chiều mát mẻ, dọn chiếc chiếu ra sau hè, nhắm nháp miếng bánh xèo cùng ly rượu trắng bên cạnh những người thân, bạn bè, khách quý thì còn gì bằng. Mời bạn hãy dạo bước về miền Tây, thưởng thức làn gió mát trong lành, ngắm nhìn nhịp sống chốn thôn quê để thấy rằng cuộc đời thật đáng yêu, thật thi vị.
Bản tin số 10 / 2006
Once show Phú Quốc: Lịch biểu diễn, giá vé và những điều cần biết
Cầu Hôn Phú Quốc: Điểm đến hoàn hảo trong ngày Valentine
Kinh nghiệm du lịch Phú Quốc: Hành trình đến thiên đường đảo ngọc
Du lịch nghỉ dưỡng: Top 10 khách sạn Phú Quốc đẳng cấp 4-5 sao
Du lịch Phú Quốc được biết đến là một trong những địa điểm nghỉ dưỡng tốt nhất ở khu vực phía Nam, n ...