Đến Bình Định Ăn Bánh Ít Lá Gai

Với lớp bột nếp màu nâu đen, gọn gàng nằm bên trong dáng hình chiếc kim tự tháp 3 cạnh, bánh ít lá gai đã trở thành một đặc sản ngon mà bạn không thể không thưởng thức khi đặt chân đến quê hương Bình Định.

  09/03/2007 16:03

Trong dân gian thường có câu:
"Muốn ăn bánh ít lá gai
Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi
",

Đường đi thì xa lắm nhưng nhắc đến Bình Định người ta không thể không nhớ đến bánh ít lá gai. Có người cho rằng chiếc bánh có tên gọi là “Ít” vì nó được cô công chúa Út của Hùng Vương làm nên, cũng trong dịp hoàng tử Lang Liêu dâng bánh chưng, bánh dày. Hình dáng lạ ấy ra đời từ sự kết hợp giữa hình thức gói của bánh chưng và nguyên liệu của bánh dày. Do bánh được nàng Út làm ra, mà nàng thường được gọi với tên thân mật là “Út Ít” vì vậy, khi đến với dân gian chiếc bánh chỉ còn được gọi là bánh Ít. Đồng thời, người ta cũng cho rằng sự ra đời của bánh có liên quan đến hình dáng của Tháp bánh Ít vẫn đang tồn tại cùng thời gian trên mảnh đất này.

Còn có một cách suy luận nữa, theo đó đây là loại bánh chỉ được dùng cho 2 dịp, một là khi cô dâu trở về nhà sau khi về làm dâu được 3 ngày để tỏ lòng hiếu thảo, hai là để dâng cúng tổ tiên trong những ngày giỗ kỵ, ngoài ra không còn dịp nào khác. Số lượng bánh làm ra cũng không nhiều lắm, chỉ đủ để cúng, biếu và một ít để ăn. Điều đó chứng tỏ rằng, ngay từ lúc khởi đầu bánh được dùng để dâng cúng hay chỉ để dùng cho những sự việc trọng đại liên quan.

Bánh ít lá gai được làm từ nhiều nguyên liệu như bột nếp có độ mịn và dẻo, lá gai non dùng để gói bên ngoài, còn nhân bánh được làm bằng hỗn hợp đậu xanh, đường, và cơm dừa – cơm dừa phải được xào chung với đường và một ít bột vani để tăng thêm hương vị của bánh. Khi chế biến người ta dùng bột đã nhào nặn kỹ bao bên ngoài lớp nhân thơm phức, dẻo quánh vừa xào xong thành một viên tròn nhỏ cỡ quả trứng gà, sau đó dùng lá gai (hoặc lá chuối) gói lại thành hình kim tự tháp ba cạnh và đem hấp khoảng 1 giờ rưỡi đến 2 giờ thì vớt ra.

Để dễ làm và bột không dính lá khi tháo, người ta thường thoa một lớp dầu phộng (phụng) lên trên mặt lá trước khi gói. Khi hấp xong, người ta để nguội, khi ăn bốc lần lượt từng lớp lá để cuối cùng còn lại một viên bánh màu nâu đen trong vắt và thơm phưng phức bởi mùi lá gai. Cắn vào một miếng, mùi thơm lạ ấy như cứ lan tỏa hòa cùng vị ngọt béo của đậu xanh và dừa. Tùy từng nơi, người ta gói lá rồi hấp hoặc gói lá sau khi hấp, nhưng dẫu có hình thức thế nào đi chăng nữa, bánh lá gai vẫn mãi đậm đà, ngọt ngào và đi vào nỗi nhớ của du khách khi tạm biệt quê hương Bình Định.
Bản tin số 12/2006

Chủ đề:
Tag:
loading
Các tin khác
pin