Hủ Tiếu Nam Bộ

Không biết tự bao giờ Hủ tiếu đã trở thành món ăn gắn liền với cư dân Nam bộ, chỉ biết rằng du khách từ phương xa khi đến miền Tây không quên ghé vào hàng hủ tiếu để thưởng thức một thoáng phong vị miền sông nước.

  09/03/2007 16:04

Có người cho rằng, món này có nguồn gốc từ Nam Vang (tức Phnom Pênh, Campuchia) nhưng do người Hoa chế biến. Người Tiều (Triều Châu) phát âm là “cổ chéo” và khi đến vùng Nam bộ thì đọc trại thành “hủ tiếu” vì vậy, người ta gọi chung là Hủ tiếu Nam Vang.
Như một khúc biến tấu, hủ tiếu Nam Vang xưa và hủ tiếu Nam bộ nay bên cạnh sự giống nhau về một số nguyên liệu, còn có nhiều điểm khác nhau. Sự khác biệt ấy chủ yếu là tính sáng tạo trong cách bày trí, bổ sung gia vị cho phù hợp khẩu vị địa phương. Dạo một vòng Sài Gòn, thực khách sẽ thấy khắp đây đó những bảng hiệu “Hủ tiếu Nam Vang”, nhưng phần lớn đã mang phong cách Việt.

Một trong những nơi nổi tiếng về món Hủ tiếu có thể kể đến Mỹ Tho. Trước đây, người ta vẫn thường lấy gạo Gò Cát để làm sợi hủ tiếu vì có độ thơm dẻo đặc trưng, góp phần tạo nên thương hiệu Hủ tiếu Mỹ Tho. Tô hủ tiếu còn là hình ảnh thể hiện sự phong phú của những sản vật địa phương, nào là màu xanh của cải, màu trắng tinh của sợi hủ tiếu, của giá sống, một tí sóng sánh vàng của hành phi và mỡ, một thoáng đỏ của tôm, ớt và nhiều gia vị khác như tim, gan heo…

Đi liền với món hủ tiếu còn là một nồi “xí quách”, là những đoạn xương ống, móng hoặc tủy xương heo được hầm mềm cho ngọt nước. Ngồi ngẩn nha những đoạn xí quách cùng muối tiêu chanh cũng là một cái “gu” của người “sành điệu”. Khi ăn, người ta sẽ cảm nhận được vị ngọt của thịt, béo của tủy và giòn giòn của sụn để rồi “ghiền” tự bao giờ không hay.
Không chỉ dừng lại ở vùng Mỹ Tho, Hủ tiếu Nam Vang đã lan rộng khắp nơi trên khắp vùng Nam bộ. Ở Sài Gòn, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy món ăn này ở bất cứ nơi nào trên những con đường bạn đi qua nhưng tập trung nhất phải kể đến khu vực đường Võ Văn Tần, Nguyễn Trãi, An Dương Vương, Nguyễn Tri Phương, Vĩnh Viễn… Tùy khẩu vị và phong cách ăn bạn có thể yêu cầu lấy thịt bằm, nước mỡ hoặc không. Ăn hủ tiếu nên ăn kèm với ớt, giá sống hoặc trụng và nhất thiết chỉ nên thêm xì dầu (nước tương) mới đúng điệu.

Nếu đến vùng đất phương Nam, bạn sẽ cảm nhận ngay về một màu xanh dường như vô tận của những vườn cây bốn mùa hoa trái, trên dòng sông nhỏ là những chiếc xuồng ba lá bé xinh xinh, khua mái chèo trên sóng nước và còn nữa những món ăn bình dị mà không kém phần đậm đà chất Nam bộ như món hủ tiếu này.
Bản tin số 12/ 2006

Chủ đề:
Tag:
loading
Các tin khác
pin