Lóng Chuối Xứ Mường

Người Mường gọi món lóng chuối là: "Bậu lế chuối lam tưa". Món này còn có tên gọi khác là chuối muối.

  09/03/2007 15:29

Món lóng chuối được làm từ chuối rừng, một loại cây có thể tìm thấy ở khắp nơi trên vùng đất miền cao này. Có hai loại chuối rừng: chuối đỏ và chuối xanh. Chuối màu đỏ có vỏ và lá màu vàng hồng. Khi chuối ra buồng, đẹp như một bông hoa. Trái chuối rừng ít lõi, vỏ dày, chát. Vì vậy, người ta thường không ăn. Đối với loại chuối xanh, vì thân, lá và trái đều có màu xanh, khi chín có thể ăn được nhưng khá nhiều hạt. Người ta thường chỉ lấy phần thân để làm ra món lóng chuối đầy thú vị này.

Không những đối với người Mường, người Việt ở vùng miền núi, người Mường, Dao, Tày… cũng hay làm món lóng chuối, nhất là trong dịp giỗ, tết. Ở địa phương còn có câu ví: “Cỗ có lóng chuối thì muối thêm chuyện".

Để làm món ăn này, người ta thường chọn loại chuối xanh chưa ra buồng, chặt bỏ gốc và ngọn, chỉ lấy phần noãn chuối non, đường kính từ 2cm đến 2,5cm, chiều dài khoảng 30cm. Tiếp theo, ngâm phần noãn chuối đó vào một vại sành đường kính khoảng 30cm, chiều cao khoảng 40cm, bên trong có chứa nước muối. Có người còn thái mấy lát gừng đặt dưới đáy vại rồi xếp chuối ngâm để lấy mùi thơm. Thời gian ngâm chuối ít nhất là 15 ngày mới ăn được. Khi ăn, lấy noãn chuối cắt ra từng khúc dài 1cm, xếp ra đĩa, trên có xếp rau kinh giới. Lóng chuối chấm với tương, muối mè, ăn có vị chua và mát. Uống rượu mà nhắm với lóng chuối thì uống được nhiều rượu, không say... Nên người ta thường có câu ví: "Lóng chuối chết đuối be sành".
Bản tin số 08/2006

Chủ đề:
Tag:
loading
Các tin khác
pin