Về Miền Tây Ăn Cá Lóc Nướng Trui
Về miền quê ở vùng Tây Nam bộ, bạn có thể được tận hưởng nhiều món ăn dân dã từ cá lóc như canh chua cá lóc, mắm cá lóc, khô cá lóc… trong đó, cá lóc nướng trui được xếp đầu bảng vì được xem là dân dã nhất, dễ chế biến nhất, bổ dưỡng nhất và cũng… ngon tuyệt vời nhất.
Cá lóc là loại cá sống ở vùng nước ngọt, nhiều nhất là ở miền Tây Nam bộ như Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cà Mau… Loại cá này có trọng lượng không lớn, chỉ khoảng từ 1 ký rưỡi đến 2 ký. Ngon nhất là loại cá lóc đồng có màu lưng xanh đen, bụng trắng phao. Vào dịp Tết hay đám tiệc, người dân miệt vườn thường tát đìa (ao) bắt cá để rọng (nuôi trong lu, khạp), chuẩn bị thêm nguồn thực phẩm dự trữ.
Những ngày rảnh rỗi, người ta thường đi nhắp cá lóc bằng mồi vịt con - tức là giữ chú vịt con vào giữa hai miếng vải bố hoặc nhựa mềm, ở trên và dưới hai miếng nhựa có khoét lỗ chừa khoảng trống để đầu và hai chân vịt có thể tự do hoạt động, dưới cùng là hai lưỡi câu lớn (loại chuyên câu cá lóc) có móc mồi là đầu ốc hoặc ruột vịt. Kiểu câu này phù hợp nhất là sau mùa mưa, khi những đàn lòng ròng (cá lóc con) vừa sinh ra, tụ lại thành những cuộn khói nâu đen, lúc ẩn lúc hiện dưới làn nước đùn đục bởi rễ lục bình.
Những “tay sát cá” thường chọn địa điểm thích hợp nhất để có thể vừa đứng, vừa nhắp. Tiếng kêu của chú vịt con rộn ràng cùng tiếng đạp nước, tiếng “bập bập” bằng miệng của người câu làm cho buổi “tiệc” câu càng thêm thú vị. Cá lóc cái thường lớn hơn cá lóc đực, cả hai luôn đi kèm đàn cá con. Vì vậy, có thể bạn sẽ có cơ hội “tóm gọn” được cả hai đấy.
Cá lóc nướng trui là món ăn rất quen thuộc, mang đậm chất văn hóa ẩm thực thời khẩn hoang của ông cha ta, có thể chế biến ngay tại ruộng khi cắt (gặt) lúa xong hoặc ở góc vườn sau nhà… Món này rất dễ làm, trước tiên là tìm một cây củi đủ lớn để không bị lửa cháy hết khi nướng cá, sau đó đâm thẳng vào miệng cá cho đến gần chót đuôi rồi cắm ngược que cá xuống đất. Tiếp theo, chất rơm (nếu ở ngoài đồng), hoặc lá chuối khô xung quanh cá, đốt lửa lớn khoảng 3 phút, sau đó hạ lửa lại đến khi cá chín vàng khi mùi thơm của cá dậy lên thì có thể ăn được.
Khi nướng xong, cá được bày ra tàu lá chuối còn xanh, lột lớp vẫy và da cháy bên ngoài ra, bên trong còn lại phần thịt cá trắng tinh, từng thớ thịt vàng ươm như mời gọi vị giác của bạn. Kế bên là các loại rau dấp cá, húng cây, quế, tía tô, dưa leo, khế chua, chuối chát, nếu không có, bạn có thể hái một nắm đọt lá cách, lá dong, lá xoài, đọt ổi… cũng ngon không kém. Cá lóc nướng trui có thể ăn chơi cùng bánh tráng (gói lại thành cuộn) chấm với nước mắm tỏi ớt, tuyệt vời nhất là vừa gắp một đũa thịt cá lóc, kèm thêm một ít rau, cắn một tí ớt sừng trâu thì không còn gì bằng. Vị ngọt của cá, vị chua của đọt cóc, lá me non, vị mặn của nước mắm đồng, mùi thơm của rau…, một tí cay của ớt, một ít nồng của men rượn càng làm cho món ăn dân dã này càng thêm ngon.
Mời bạn hãy về quê hương miền Tây để tận hưởng không khí thanh bình của những cánh đồng bát ngát, một tí nắng vàng ban mai, những cánh cò trắng phau bay chấp chới trên biển lúa xanh rì, thưởng thức một tí món ngon của quê nhà. Và đúng như tác giả Lâm Ngữ Đường đã từng nói: "Tình yêu đất nước là sự thương nhớ, thèm thuồng món ăn mà cha mẹ cho mình ăn lúc mình nhỏ tuổi” mỗi lúc đi xa.
Bản tin số 11/2006
Once show Phú Quốc: Lịch biểu diễn, giá vé và những điều cần biết
Cầu Hôn Phú Quốc: Điểm đến hoàn hảo trong ngày Valentine
Kinh nghiệm du lịch Phú Quốc: Hành trình đến thiên đường đảo ngọc
Du lịch nghỉ dưỡng: Top 10 khách sạn Phú Quốc đẳng cấp 4-5 sao
Du lịch Phú Quốc được biết đến là một trong những địa điểm nghỉ dưỡng tốt nhất ở khu vực phía Nam, n ...